Tin tức xăng dầu Việt Nam

Giá dầu lùi một bước để sớm tiến tới kỷ lục mới


Giá dầu sẽ vượt ngưỡng 100 USD trong năm 2011 đó là nhận định của các chuyên gia được Tân Hoa xã đăng tải là do nguyên nhân nền kinh tế thế giới đã hồi phục, đồng đô la suy yếu và khoảng cách ngày càng xa giữa cung và cầu.

CôngThương - Tuần trước, giá dầu thô thế giới đã đạt mốc 89,19 USD/thùng, cao nhất trong 2 năm qua. Ông Fatih Birol- chuyên gia kinh tế hàng đầu của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), nhận xét: kỷ nguyên dầu giá thấp “đã qua” và giá dầu sẽ tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh lên sát ngưỡng 100 USD/thùng cuối tuần trước, giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên giao dịch vắng khách đầu tuần.Kết thúc tại London, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 3/2011 giảm 73 cent xuống 97,65 USD/thùng, trong khi hợp đồng giao tháng 2/2011 chạm mức cao 99,20 USD/thùng trước khi hết hạn.Trên sàn điện tử, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2011 giảm 56 cent xuống còn 90,98 USD/thùng.

Theo đó,trên sàn giao dịch điện tử châu Á, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2011 giảm 44 cent xuống 91,10 USD/thùng.

Tại các hội nghị vừa qua (một hội nghị toàn thể của OPEC tại Quito và các cuộc đàm phán của các Bộ trưởng Dầu mỏ Arập tại Cairo, các nước sản xuất dầu mỏ vẫn tuân thủ những hạn chế sản lượng mà OPEC đề ra trong hai năm qua. Các bộ trưởng và các quan chức cao cấp của các nước sản xuất dầu mỏ đều khẳng định rằng, cho dù giá dầu có tăng lên 100 USD/thùng, không xa so với mức giá 91,88 USD/thùng vừa qua, cũng không phá hoại nền kinh tế và không có nghĩa là OPEC cần phải bơm thêm dầu. Giá dầu tăng là do đầu cơ, chứ không phải là do thiếu dầu.

Ngay trong giới phân tích cũng có hai quan điểm. Một cho rằng, giá dầu tăng là do kinh tế thế giới phục hồi, khiến tiêu dùng nhiên liệu tăng. Quan điểm kia tập trung vào những khác biệt giữa thị trường được cung cấp tương đối đầy đủ hiện nay với thị trường năm 2008, khi giá dầu được đẩy lên giá cao kỷ lục gần 150 USD/thùng. Nhà phân tích dầu mỏ Sadad al-Husseini, đồng thời là cựu quan chức cao cấp thuộc công ty dầu mỏ quốc doanh Arập Xêút Saudi Aramco nói: “Chúng ta chờ xem liệu giá dầu tăng có phải là phản ứng đối với thời tiết giá lạnh bất thường tại bán cầu Bắc, hay là do nhu cầu dài hạn, hoặc các vấn đề tiền tệ. Dựa trên các kho dự trữ dầu mỏ dồi dào, việc OPEC phản ứng thái quá đối với một hiện tượng rất tạm thời có thể là vô nghĩa. Đến lúc lượng dầu bơm thêm đến được tay người tiêu dùng, nhu cầu có thể giảm đi sau mức đỉnh điểm của mùa đông tại bắc bán cầu”.

Còn Conley Turner- nhà phân tích cao cấp của Wall Street Strategies- cũng dự báo ông nói: “Trên thực tế, các nhà buôn và giới đầu tư đã sẵn sàng cho khả năng giá dầu đạt mốc 100 USD/thùng vào năm 2011, lý do chủ yếu là nguồn cung dầu mỏ đang tăng trên phạm vi toàn cầu khi hoạt động kinh tế gia tăng”-

Trước đó, theo bản báo cáo tháng của IEA công bố hồi giữa tháng 11-2010, mức tiêu thụ dầu trung bình mỗi ngày trong năm 2010 tăng 2,34 triệu thùng và sẽ tăng thêm 1,19 triệu thùng trong năm 2011. Trong khi đó nguồn cung dầu- Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ- OPEC (chiếm hơn 35% sản lượng dầu toàn cầu) đã quyết định giữ nguyên sản lượng trong năm nay tại cuộc họp hồi tháng 10/2010 vừa qua.

IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh, tới mốc 99 triệu thùng/ngày vào năm 2035, nhiều hơn nhu cầu năm 2009 đến 15 triệu thùng/ngày. Khoảng cách giữa cung- cầu dầu được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng và điều này sẽ đẩy giá dầu lên cao.

Ông Husseini và các nhà phân tích khác trong OPEC cho rằng, dầu mỏ- được giao dịch bằng USD, đang rẻ hơn do đồng USD đang giảm giá. Ông nói: “Giá dầu vẫn chưa tăng lên 100 USD/thùng. Mà cho dù có tăng lên 100 USD/thùng thì nó cũng chỉ tương đương với 80 USD/thùng theo giá đồng USD năm 2005, nếu mức giá hiện nay được điều chỉnh theo lạm phát”. Trên danh nghĩa, giá dầu đã tăng 35% so với mức thấp hồi tháng 5/2010 và tăng 15% so với mức gia cuối năm 2009.

Các yếu tố khác như đồng USD suy yếu, sức ép lạm phát ở Mỹ, khủng hoảng nợ châu Âu, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề Iran cũng sẽ khiến giá dầu tăng.

Theo nhà kinh tế Myrto Sokou thuộc Công ty Sucden, gần đây giá dầu thường dao động quanh mức 91 USD/thùng, do tình hình bất ổn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thúc đẩy giới đầu tư tranh thủ thời gian bán ra chốt lời ngay sau phiên tăng giá. Tuy nhiên, đợt tăng giá cuối tuần trước có thể tiếp diễn trước triển vọng khả quan về mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp.

Victor Shum, chuyên gia của Công ty tư vấn năng lượng Purvin & Gertz có trụ sở Singapore, cho rằng giá dầu thô kỳ hạn đang gần tiến tới mức 100 USD/thùng và nhìn chung xu hướng mua vào vẫn là xu hướng chủ đạo trên thị trường. Hiện rất nhiều nhà đầu tư tỏ ra tin tưởng vào quá trình hồi phục nhanh hơn của kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, giá dầu được dự kiến sẽ còn cao trong thời gian tới.

Các nhà phân tích cho rằng giá “vàng đen” sẽ sớm lập mốc kỷ lục mới sau khi có các báo cáo cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm và nền kinh tế nước này tăng trưởng cao hơn dự báo.

Tuần trước, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của họ đã giảm 5,3 triệu thùng so với tuần trước đó - mức thấp nhất trong 10 tháng qua, trong khi GDP của Mỹ trong quý 3-2010 tăng 2,6% thay vì 2,5% như dự báo trước đó.Theo đó, giá dầu đã tăng 14% do nhu cầu nhiên liệu tăng sau khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục nhanh hơn dự báo. Bình luận trên Economic Times, chuyên gia phân tích giá dầu của Ngân hàng ANZ Serene Lim cho rằng trong tương lai không xa, giá dầu sẽ vượt ngưỡng 110 USD/thùng.

Trong một diễn biến liên quan, báo cáo hàng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2011, dựa vào tốc độ hồi phục của kinh tế thế giới và giá rét ở Bán cầu Bắc. Theo đó, thế giới sẽ tiêu thụ trung bình 87,32 triệu thùng dầu/ngày năm nay, tăng 1,23 triệu thùng/ngày (1,43%) so với năm ngoái.

Trong khi đó, ông Abdallah Salem el-Badri, Tổng thư ký OPEC, cũng đã loại trừ khả năng tăng sản lượng của các nước thành viên do giá tăng kể từ cuối năm 2010, đồng thời nhấn mạnh: "Chúng tôi đang quan sát các thị trường và OPEC sẽ can thiệp nhằm bình ổn thị trường trong trường hợp mất cân bằng".

Ngoài ra, OPEC có khả năng sẽ tăng sản lượng. Irắc nước không nằm trong hệ thống hạn chế của OPEC, có tiềm năng tăng sản lượng lớn. Các nhà phân tích hiện vẫn đang tranh cãi về việc Irắc có thể tăng năng lực sản xuất lên 12 triệu thùng/ngày hay không. Nhưng dù có tăng chậm hơn thì họ vẫn có thể bơm đủ dầu để đáp ứng nhu cầu tăng lên. Bộ trưởng Dầu mỏ mới của Irắc tuyên bố nước này đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 3 triệu thùng ngày vào cuối năm 2011, so với mức 2,6 triệu thùng/ngày hiện nay.

OPEC đang được kêu gọi tăng sản lượng lên 600.000 thùng/ngày trong năm 2011. Lượng dầu tiêu thụ trong năm 2011 được dự báo sẽ tăng lên khoảng 1,5 triệu thung/ngày.

Đắc Hanh
Nguồn:  Báo Công Thương