Tin tức xăng dầu Việt Nam

Bộ Công Thương khẳng định: Bảo đảm nguồn cung và không tăng giá bán xăng dầu!

Sáng nay (16/12/2010), dưới sự chủ trì của các Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công Thương đã họp với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn biện pháp bảo đảm cung cầu, ổn định giá bán xăng dầu từ nay đến hết và quý 1/2011.
Theo báo cáo của các công ty kinh doanh xăng dầu, hiện chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở (theo quy định Nghị định 84/2009/NĐ-CP) các mặt hàng xăng, diezen và dầu hỏa trên dưới 2.000 đồng/lít, mazut khoảng 1.000 đồng/kg. Do mức lỗ kinh doanh xăng dầu lớn, diễn ra trong một thời gian dài đã gây khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, tại thời điểm này các DN vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng xăng dầu.

Theo Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, đến nay, các DN đầu mối xăng dầu đã nhập khẩu được 70% hạn mức tối thiểu xăng dầu cho phép, đó là chưa tính đến lượng xăng dầu sản xuất tăng vượt của Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất (nhà máy Dung Quất) được tiêu thụ trong năm nay. Như vậy, năm 2010, lượng tiêu thụ xăng dầu đã vượt 8% so với năm 2009.

Tuy nhiên, do tình trạng lỗ kinh doanh xăng dầu nên vừa qua một số DN đầu mối như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Xăng dầu Hàng hải, Công ty cổ phần Dầu khí Mêkông (Petromekong) đã nhập hàng không đúng tiến độ, gây áp lực lên các doanh nghiệp khác, nhất là đối với Petrolimex.

Cũng do khó khăn nên có DN đầu mối đã giảm thù lao cho các đại lý, do không có lợi nên một số cửa hàng của đại lý đã dừng bán hoặc bán hàng cầm chừng đợi giá lên. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp và một số đại lý dự đoán thời gian tới giá xăng dầu sẽ tăng nên đẩy mạnh mua vào, chờ cơ hội kiếm lời. Tuy những trường hợp trên xảy ra không nhiều, chỉ cục bộ tại một thời điểm, hoặc ở một số địa phương nhưng phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và hệ thống bán lẻ.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Sinh Khang- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện nay Nhà máy Dung Quất hoạt động khá ổn định, nguồn xăng Dung Quất rất khả quan, mỗi tuần sản xuất khoảng 200.000m3 xăng dầu, cùng lúc tồn kho tại Dung Quất khá bảo đảm, chiếm khoảng 25% tổng sức chứa.

Trong năm 2010 có 10/11 DN đầu mối lấy hàng tại Dung Quất với số lượng vượt cam kết ban đầu. Năm 2011, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cũng đã ký hợp đồng với các DN đầu mối, bảo đảm cung cấp đủ nguồn đã ký hợp đồng. Ông Khang cam kết, từ nay đến hết quý 1/2011, Dung Quất sẽ cố gắng đảm bảo cho Nhà máy hoạt động tốt và chạy hết công suất.

Đại diện của Tổng công ty dầu Việt Nam (Pvoil) và Petrolimex cũng khẳng định, hiện nay lượng tồn kho xăng dầu tại tổng công ty khá bảo đảm, không hết hàng, vừa qua, có một số nhu cầu ảo, có hiện tượng đầu cơ nên các DN phải tăng cường kiểm soát, từ chối bán ra đối với các nhu cầu ảo.

Bộ Công Thương khẳng định, trong khi nguồn xăng dầu sản xuất từ Dung Quất đang thuận lợi, cộng với nguồn hàng đang nhập về của các DN trong những ngày tới, và hiện nay các DN tiếp tục bảo đảm nhập đủ 30% hạn mức tối thiểu xăng dầu còn lại thì nguồn cung xăng dầu không thiếu.

Gỡ khó cho DN

Tại cuộc họp, các DN đầu mối đều khẳng định, nguồn dự trữ xăng dầu hiện nay đều bảo đảm theo đúng quy định của Nhà nước. Nhưng để ổn định giá, bảo đảm nguồn cung cho đến hết quý 1/2011, các bộ quản lý cần đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, giảm bớt áp lực lỗ kinh doanh xăng dầu cho DN.

Ông Vương Đình Dung- Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội- phát biểu: Hiện nay nguồn cung không thiếu, ngoại tệ không thiếu, nhưng nếu tháo gỡ khó khăn về cơ chế thanh toán, như giải quyết lỗ tồn đọng của chúng tôi từ năm 2008, đảm bảo không thay đổi tỷ giá ngoại tệ khi thanh toán trả vốn vay ngân hàng, đồng thời giảm thuế nhập khẩu và ngừng trích quỹ bình ổn (do các DN lỗ kinh doanh xăng dầu nên không thể trích quỹ bình ổn, thực tế chỉ còn “quỹ treo” trên giấy tờ), DN đảm bảo sẽ nhập dư thừa hàng.

Đồng quan điểm với ông Dung, hầu hết các DN khác đều kiến nghị, trước hết cần giảm thuế nhập khẩu; Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo tỉ giá khi DN thanh toán vốn vay ngoại tệ cho ngân hàng (vì hiện nay, hầu hết các DN phải vay ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, hàng đã bán rồi, nếu thay đổi tăng tỉ giá ngoại tệ thì chênh lệch giữa tỉ giá mới và tỉ giá cũ khiến doanh nghiệp lại phải chịu thêm một khoản lỗ nữa).

“Mặc dù kêu la khó khăn như vậy, nhưng đến nay chưa có cửa hàng xăng dầu nào của các DN phải “treo vòi” không bán, chúng tôi vẫn cố hết sức.”- ông Dung nói.

Không tăng giá xăng dầu đến hết quý 1/2011

Trước ý kiến của các cơ quan quản lý và DN xăng dầu, các Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Hồ Thị Kim Thoa đều nhất trí kiến nghị tới Chính phủ, các bộ ngành liên quan các biện pháp bình ổn thị trường xăng dầu.

Về giá bán xăng dầu, Thứ trưởng Tú khẳng định, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến hết dịp Tết Nguyên đán 2011 sẽ không có chuyện tăng giá. Nhưng để giữ giá ổn định, các cơ quan quản lý, các DN phải nỗ lực hết sức.

Bộ Công Thương yêu cầu, các DN đầu mối phải đảm bảo nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu xăng dầu còn lại, bảo đảm dự trữ hàng hóa đúng quy định theo Nghị định 84, đồng thời có trách nhiệm kiểm soát hệ thống cửa hàng, đại lý của mình hoạt động bình thường. Kiên quyết loại trừ bán hàng cho các nhu cầu ảo. Nếu DN nào vi phạm quy định, Bộ Công Thương sẽ đề nghị không được tham gia vào thị trường xăng dầu.

Đối với sản xuất, Bộ Công Thương yêu cầu PVN chỉ đạo Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đảm bảo hoạt động của nhà máy, chạy với công suất cao nhất từ nay cho đến hết quý 1/2011.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kinh doanh xăng dầu, có trách nhiệm phối hợp tháo gỡ khó khăn cho DN; Bộ Công Thương chủ động nắm tình hình nguồn hàng, dự báo, lập kế hoạch dự phòng để có biện pháp can thiệp tích cực khi thị trường biến động.

Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các DN về dự trữ hàng, hoạt động của các cây xăng. Kiên quyết không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, bán nhỏ giọt.


Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, nếu có hiện tượng cây xăng nào dừng bán, vi phạm quy định sẽ xử lý nghiêm, có thể sử dụng biện pháp cao nhất là rút giấy phép vĩnh viễn đối với cây xăng đó.

Do hiện nay giá bán xăng dầu của Việt Nam khá thấp so với một số nước trong khu vực nên các lực lượng cần tăng cường kiểm soát. chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.

Trước mắt để ổn định thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và đến Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Đồng thời để đảm bảo nguồn cung, hạn chế nhập siêu, Bộ Công Thương cũng sẽ bàn bạc với Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn ngoại tệ cho các DN nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu xăng dầu.

Thanh Hương
Nguồn:  Báo Công Thương điện tử